You are here:
JA slide show

Thuốc chống sốt rét gây tăng sắc tố

E-mail Print PDF

Tôi uống thuốc chống sốt rét được 3 tháng, nhưng 2 tuần trở lại đây, trên mặt tôi xuất hiện những vết xanh xám. Xin hỏi, có phải tôi bị tác dụng phụ của thuốc không? Và làm thế nào để hết vết xanh xám trên da?

Đỗ Văn Vĩnh (Nghệ An)

Nguy cơ gây ra các rối loạn sắc tố khác nhau đáng kể giữa các loại thuốc, có thể gặp ở một vài trường hợp riêng lẻ đến 25% số người dùng thuốc. Tăng sắc tố do thuốc ước tính chiếm khoảng 10-20% tổng số các trường hợp tăng sắc tố mắc phải. Tăng sắc tố do thuốc thuộc loại rối loạn sắc tố mắc phải và có liên quan với việc dùng thuốc, thường diễn biến âm thầm, chậm chạp và nặng dần lên sau dùng thuốc nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Sự phân bố của tăng sắc tố do thuốc cũng có một số đặc điểm tương đối khác so với các loại rối loạn sắc tố mắc phải khác như: thường xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng, niêm mạc miệng, mắt.

 Vết xanh xám trên mặt.
Tăng sắc tố là loại phản ứng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc chống sốt rét. Theo một nghiên cứu, sau 4 tháng sử dụng một trong 4 loại thuốc chống sốt rét phổ biến là chloroquine, hydroxychloroquine, quinacrine và mefloquine, khoảng 25% số bệnh nhân xuất hiện các rối loạn sắc tố từ xanh xám đến tím sẫm. Rối loạn sắc tố do thuốc chống sốt rét chủ yếu xuất hiện ở mặt trước cẳng chân nhưng cũng có thể ở giường móng, đầu mặt (mũi, má, trán, tai và niêm mạc miệng), những cấu trúc ở sâu như sụn mũi, sụn tai, khí quản, sụn khớp cũng có thể bị ảnh hưởng.
 
Các đám tăng sắc tố khởi đầu thường xuất hiện đơn lẻ, hình bầu dục, sau lan rộng và liên kết thành mảng lớn. Các mảng sắc tố lớn thường xuất hiện sau nhiều năm dùng thuốc và ở những vùng có tiếp xúc với ánh nắng. Rối loạn sắc tố do các thuốc chống sốt rét có thể hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc nhưng phải mất nhiều tháng các tổn thương này mới hoàn toàn biến mất. Riêng quinacrine còn có thể làm cho da biến màu vàng chanh trên toàn bộ bề mặt cơ thể ở liều điều trị thông thường.
Khi bạn ngừng sử dụng thuốc, các vết xanh xám sẽ mờ dần, nhưng thường không hết hẳn. Bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Chúc bạn mau khỏi.     
BS.Nguyễn Hữu