Gần 50% thuốc dùng trong phòng, chữa bệnh là kháng sinh. Hầu hết chúng và các chất chuyển hoá được thải trừ qua thận. Trên đường đi, chúng có thể gây các tác dụng không có lợi cho thận...
Trực tiếp gây nhiễm độc thận
Gây nhiễm độc ống thận: Kháng sinh gây thương tổn trực tiếp hoặc ở màng nhân tế bào biểu mô, lưới bào tương, ty lạp thể hoặc ở lysosom.Tuỳ theo tuổi tác, tình trạng mất nước, tuần hoàn hoặc tuỳ các bệnh mạn tính kèm theo mà việc nhiễm độc này nặng thêm. Trong số này, phải kể đến 4 nhóm thuốc:
Nhóm aminozid: Nhóm này gây suy thận với tỷ lệ khoảng 10%. Suy thận thường xuất hiện sau khi dùng thuốc 7-10 ngày. Nếu dùng liều cao, kéo dài, dùng cho những người tuổi cao, có suy thận từ trước, xơ gan, bị mất nước, ăn kiêng muối quá mức, đang dùng với một thuốc gây suy thận khác... thì mức độ nhiễm độc càng trầm trọng thêm. Neomycin gây nhiễm độc nặng nhất, hiện không dùng dạng tiêm, ít dùng dạng uống. Streptomycin gây nhiễm độc nhẹ nhất hiện chỉ dùng liều xác định trong điều trị lao. Tobramycin gây nhiễm độc trung bình, hiện hay dùng dưới dạng thuốc rỏ mắt. Gentamycin gây nhiễm độc tương tự như tobramycin nhưng do dùng nhiều và lạm dụng nên có tần suất nhiễm độc lớn nhất.
Thuốc kháng sinh có thể gây độc cho thận, không nên tùy tiện uống .
|
Nhóm cephalosporin: Chỉ các cephalosporin thế hệ 1 (như cephalexin, cefadroxil, cefalotin, cefazolin) gây nhiễm độc ống thận, còn các cephalosporin từ thế hệ 2 trở đi ít khi gây ra tai biến này. Tuy nhiên cần lưu ý là các cephalosporin tiêm từ thế hệ thứ hai trở đi thường gây rối loạn chức năng thận nhiều hơn.
Nhóm amphotericin B: Nhóm này tác động lên lipid màng tế bào biểu mô ống thận gây suy thận cấp, nhiễm toan, đái tháo nhạt.
Nhóm polipetid: Nhóm thuốc này (polymycin, colistin) trước đây dùng đường tiêm có hiệu quả cao. Tuy nhiên do có độc tính cao với thận, nên polymycin hiện chỉ dùng pha dung dịch thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, rửa đường niệu hay thuốc mỡ, không còn dùng dưới dạng tiêm; colistin còn dùng dạng viên uống, khi cần thiết mới dùng dạng tiêm nếu không có thuốc thay thế (như nhiễm khuẩn nặng do pseudomonas aegunosa)
Để phòng ngừa nhiễm độc thận của các nhóm thuốc trên chỉ nên dùng liều vừa đủ hiệu lực, không dùng kéo dài, cẩn trọng khi người bệnh có các trạng thái hay các bệnh kèm theo nói trên.
Gây bệnh ở ống thận - mô kẽ do miễn dịch - dị ứng: Đây là cơ chế gây độc của nhiều thuốc chứ không phải cơ chế gây độc đặc hiệu của kháng sinh. Chỉ một số kháng sinh và chỉ một số người mà nhu mô thận quá mẫn cảm mới bị tai biến này.Tai biến thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện: đái ra máu, thận to ra, tuy có khi rất nặng, nhưng hiếm khi dẫn tới suy thận mạn. Kháng sinh nhóm betalactam hay gây ra tai biến này nhiều và nặng nhất là methicilin, hay gặp penicilin, hiếm gặp hơn là ampicilin, amoxicilin, oxacilin, các cephalosporin thế hệ 1 và một số các kháng sinh thuộc nhóm khác như erythromycin, vancomycin, minocyclin, rifampicin, isoniazid, bactrim, acid priomidic.
Gây suy thận cấp do giảm lưu lượng máu đến thận: Kháng sinh chỉ gây ra tai biến này khi người bệnh có kèm theo các chứng mất nước, mất máu, suy tim, xơ gan mất bù, hay khi dùng thuốc làm giảm prostaglandin sẽ làm giảm lưu lượng máu qua thận, giảm độ lọc cầu thận.
Thuốc ức chế men chuyển chống lại sự hình thành angioten sin II (một tác nhân gây co mạch) làm hạ huyết áp. Nếu dùng với liều cao ngay từ đầu, hoặc dùng kèm với một thuốc lợi tiểu có thể gây tụt huyết áp đột ngột cũng có thể dẫn đến tai biến này. Người tăng huyết áp đang dùng thuốc này nếu cần dùng kháng sinh phải cẩn thận hơn, bằng cách: sau khi dùng thuốc lợi tiểu cần nghỉ vài ngày rồi dùng thuốc ức chế men chuyển, khởi đầu thuốc ức chế men chuyển với liều thấp rồi tăng dần cho đến khi đạt được yêu cầu mong muốn; trong quá trình dùng thuốc nếu thấy việc hạ huyết áp quá mức thì nên giảm liều hay ngừng thuốc lợi tiểu hoặc cả thuốc ức chế men chuyển. Đây là quy tắc dùng thuốc ức chế men chuyển. Quy tắc này càng cần được áp dụng chặt chẽ hơn khi dùng chúng với kháng sinh, nếu không thì tai biến xảy ra có tính cộng hợp và nặng hơn.
Để phòng chống tai biến này tránh dùng thuốc trong các trường hợp trên, nếu cần thiết phải dùng thì khi thấy xuất hiện tai biến cần ngừng ngay thuốc và chữa các bệnh gây ra nguy cơ.
Gây độc thêm cho thận
Khi suy thận mạn thì chức năng thận kém, độ lọc của cầu thận giảm làm cho kháng sinh sẽ tích liều gây độc thêm cho thận và gây ra các tác hại ở các cơ quan khác. Gentamycin vừa có thể gây nhiễm độc thận vừa gây nhiễm độc thính giác. Nếu dùng cho người suy thận thì cả hai tiềm năng gây độc này diễn ra nặng hơn. Các fluoroquinolon ít tiềm năng gây độc cho thận nhưng khi dùng cho người suy thận thì cũng có thể gây rối loạn chức năng thận.
Để phòng các tai biến kháng sinh trên người suy thận cần giảm liều dùng: thường dùng liều thăm dò thấp, sau đó điều chỉnh ngay cho đạt được liều có hiệu lực rồi duy trì liều điều trị đó, liều này thường chỉ bằng 50-60% liều thường dùng cho người bình thường; Định lượng kháng sinh trong máu và điều chỉnh liều để hàm lượng không vượt quá ngưỡng cho phép; Điều chỉnh liều theo hệ số thanh thải creatinin cho phù hợp. Chỉ định liều theo hệ số thanh thải creatinin là cách làm có căn cứ chắc chắn và không khó làm, có thể thực hiện được ở tuyến huyện.
Một sai sót thông thường là dùng kháng sinh thiếu cân nhắc cho người bình thường và ngay cả người suy thận. Khắc phục thiếu sót này sẽ hạn chế tác dụng không có lợi của kháng sinh đối với thận.
DS. Bùi Văn Uy
- Tác dụng chữa bệnh của nước
- Thuốc trị bệnh viêm niệu đạo nam
- Tôi suýt làm mù người bệnh
- Biến chứng mắt ở bệnh nhân đái tháo đường, nguyên nhân hàng đầu gây mù
- Tác dụng phụ của thuốc trị viêm gan C mạn tính
- Uống nước chữa được nhiều bệnh tật
- Nước tinh khiết không thật sự tốt cho sức khỏe
- Thuốc chống sốt rét gây tăng sắc tố
- CÔNG NGHỆ NANO BẠC - HỆ THỐNG SIÊU LỌC
- Hệ thống lọc tổng toàn toà nhà