Tôi có nói với người bệnh rằng giá mua được parlodel thì tốt. Đó là một biệt dược bromocriptin của Pháp. Chị D. (tên người bệnh) nói rằng: “Nhà em có người ở nước ngoài, bác sĩ cứ chỉ định, em xin được”. Quả nhiên, mấy tháng sau, chị mua được parlodel thật. Tôi chỉ định mỗi ngày uống 1 viên 2,5mg. Uống được 17 ngày thuốc thì chị có biểu hiện như có thai, thử hCG thấy dương tính. Tôi quyết định ngừng dùng parlodel. Theo dõi thai, phát triển bình thường.
Khi có thai được 5 tháng rưỡi, chị D. có cảm giác nặng đầu. Tôi cảnh giác chị bị nhiễm độc thai nghén sớm, chuyển chị vào Khoa Sản của Bệnh viện Bach Mai để theo dõi và điều trị. Khoa Sản cũng nghĩ là nhiễm độc thai nghén, cho nằm điều trị và chữa theo hướng này. Nằm viện được chừng 1 tháng, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, được chuyển đến Trung tâm Mắt của quận Đống Đa. Nằm tại Trung tâm Mắt Đống Đa trong 2 tháng, thị lực ngày càng giảm, cuối cùng giảm tới mức chỉ còn đếm được ngón tay thì chuyển đến Viện Mắt Trung ương.
Một hôm, sau khi ăn cơm trưa xong, BS. Thìn kể cho tôi nghe anh vừa đi hội chẩn ở Viện Mắt về, có một trường hợp có thai quãng 8 tháng bị mờ mắt rất nặng mới được chuyển từ Trung tâm Mắt Đống Đa đến được vài ngày, anh đã nhận cho chuyển về đây nằm, định để mổ lấy thai. Tôi nói luôn: “Có khi là bệnh nhân của tôi đấy, tôi có một chị bệnh nhân vô kinh tiết sữa, điều trị bằng parlodel có thai, sau bị nặng đầu nghi là nhiễm độc thai nghén, nằm ở Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai, về sau người ta nghi có vấn đề về bệnh mắt, chuyển đến Trung tâm Mắt Đống Đa và từ đấy không biết tin tức gì nữa”.
Đến hai giờ chiều, bệnh nhân được chuyển từ Viện Mắt đến. Tôi vội lại thăm thì quả là bệnh nhân cũ của mình thật. Thầy thuốc đi theo là bác sĩ NTCA. Chị A. nói với anh Thìn và tôi rằng không nên mổ lấy thai vội mà giữ cho thai lớn đủ tháng, chứ lấy con ra non tháng, mẹ mù mắt chăm con thì tội lắm, mắt không thể cứu được nữa.
Buổi chiều hôm ấy, BS. Thìn mổ lấy thai ngay cho bệnh nhân, thai sống, tình trạng cháu bé tốt. Nhưng đến sáng hôm sau thì bệnh nhân mù hẳn, không còn phân biệt được cả sáng tối.
Tôi xác định thấy rõ ràng tuyến yên đã to lên nhanh và chèn ép nặng nề vào giao thoa thị giác gây mù nhanh hơn. Bây giờ phải làm thế nào cho tuyến yên ngừng chế tiết prolactin và nhỏ lại mới là chữa nguyên nhân. Tôi hỏi khắp các đồng nghiệp của tôi ở Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh và đạp xe đi hỏi các bạn bè đồng nghiệp khác ở các nơi khác, nhưng đều bị trả lời: “Đáng lẽ việc ấy chúng tôi phải hỏi anh, chứ tại sao anh lại đi hỏi chúng tôi?”. Thật là oan cho tôi, đúng ra tôi có biết gì đâu, dùng estrogen để ức chế tuyến yên thì là chống chỉ định vì estrogen làm phù tuyến yên.
Cuối cùng, tôi gặp được BS. Mai Thế Trạch, cán bộ giảng dạy, chuyên khoa Nội tiết ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi kể đầu đuôi câu chuyện và xác định nguyên nhân của mù loà này là do tuyến yên chèn ép vào giao thoa thị giác làm dây thần kinh thị giác bị hỏng, mấu chốt là làm thế nào để tuyến yên đừng tiếp tục to lên và ngược lại, phải nhỏ đi thì càng tốt.
Anh Trạch ban đầu cũng nói như mọi người khác là không biết phương pháp nào để giải quyết cho tuyến yên cả. Về sau, anh chất vấn tôi: “Nếu anh nghĩ đến nguyên nhân thần kinh thì tại sao anh không nghĩ đến dùng vitamin B12 liều cao, người ta đã chẳng dùng B12 liều cao để chữa thần kinh tọa là gì?”.
Tôi như người sắp chết đuối vớ được cọc. Cảm ơn anh Trạch xong, tôi trở lại Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh, chỉ định cho bệnh nhân tiêm bắp vitamin B12, mỗi ngày 5.000 gamma. Trong 6 ngày đầu không thấy biến chuyển gì. Đến ngày thứ 7 mới bắt đầu nhìn được ánh sáng. Từ đó mắt tỏ dần. Sau 3 tuần điều trị thì chị D. đọc được đầu đề to của tờ báo.
Bất thình lình tôi được đi Hung-ga-ri trong 3 tuần lễ để dự một lớp quốc tế về các biện pháp tránh thai. Khi về, vào buổi tối, tôi vội đạp xe lên Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh trong lúc trời mưa, trời gió để xem tình hình người bệnh ra sao. Đến viện thì được biết bác sĩ trưởng phòng Y vụ đã cho bệnh nhân về ngay hôm sau khi tôi đi, bảo rằng bệnh nhân sáng lại mắt là do mổ lấy thai chứ không phải do dùng B12, làm hết cả B12 của viện.
Tìm hồ sơ thấy địa chỉ nhà ở của bệnh nhân tại một tập thể lắp ghép cao tầng, gần Bệnh viện Việt Xô, tôi lại đội mưa, đạp xe đến nhà chị. Chị nhận ra tiếng nói của tôi, mò ra mở cửa - một căn hộ đơn sơ nghèo nàn. Chị là một kỹ sư nông nghiệp làm việc ở Hải Dương. Chị D. cho biết từ khi ra viện, mắt nhìn vẫn thế, không tốt lên mà cũng không xấu đi, chị đang định bán xe đạp để mua vitamin B12, nhưng sợ mua phải thuốc giả nên chưa dám bán xe.
Tôi chợt nghĩ ra rằng có lẽ nhờ được Bệnh viện Bạch Mai chăng. Sáng hôm sau, tôi đạp xe đến Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai gặp BS. Dương Tử Kỳ. Anh Kỳ sốt sắng nhận lời ngay, làm hồ sơ nội trú nhưng cho phép bệnh nhân ở nhà trông con, hàng ngày nhờ người đèo đến để tiêm. Cũng phải bắt đầu từ ngày thứ 7 sau tiêm, mức nhìn của mắt mới rõ lên. Tiêm được 1 tháng thì chị D. đã đọc được báo, chỉ còn hơi mỏi mắt khi đọc lâu. Tiêm thêm 3 tuần nữa, mắt chị D. trở lại bình thường và tình nguyện xin thôi thuốc.
Chừng nửa năm sau, tại Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh lại gặp một trường hợp tương tự và cũng điều trị thành công bằng dùng B12 liều cao.
Tôi xin tạm rút ra bài học rằng đối với những rối loạn cơ năng của thần kinh có thể cải thiện được bằng vitamin B12. Biết đâu, trong những trường hợp mới bị mù mắt do thiên đầu thống lại chẳng có thể cải thiện được bằng vitamin B12?
BS. Minh Lương
Ads by NhutCorp | Hướng dẫn | Jquery | Website | Phần mềm miễn phí |