You are here:
JA slide show

Bệnh của người nội trợ và thuốc trị

E-mail Print PDF

Bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng (irritant contact dermatitis) hay gặp ở những người làm công việc nội trợ phải tiếp xúc kéo dài với các chất tẩy rửa như xà phòng, bột giặt, nước tẩy trắng men, kính...

Sau một thời gian tiếp xúc với các chất nêu trên, da bàn tay sẽ bị đỏ lên, hơi sưng nề. Vài ngày sau sưng nề xẹp xuống và da trở nên khô rồi bong tróc nhẹ các vảy phấn, vảy cám. Nếu tiếp tục tiếp xúc với các chất tẩy rửa thì da sẽ bị bong nhiều hơn và càng ngày càng trở nên khô ráp. Nặng hơn thì tạo thành các vết nứt gây đau đớn. Nếu nứt sâu thì gây chảy máu. Thường bệnh nhân không ngứa chỉ có các cảm giác rát, căng khó chịu. Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì bệnh nặng hơn. Khi bóc các vảy đi hoặc gãi, chà xát thì có nguy cơ nhiễm trùng hoặc bị chàm hóa. Khi đó sẽ xuất hiện thêm các mụn nước, mụn mủ.

Bạn phải kiêng ngâm nước, gãi, chà xát, hạn chế rửa tay. Không tiếp xúc lại với các chất tẩy rửa, phải đi găng tay nilong trước rồi đi găng tay cao su ra ngoài khi giặt giũ hoặc rửa bát. Nếu bệnh nặng thì khi gội đầu hoặc tắm cũng phải đi găng tay.

Điều trị:

Tại chỗ: Bôi một trong các chế phẩm có chứa corticoid như: eumovate, fusidicort, lacticareHC, gentrison... Bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần. Quan trọng là phải bôi một trong các chế phẩm làm mềm da, dịu da như cream vitamin E, lactcare, phisiogel... Ngày bôi được nhiều lần, bôi chồng lên nhau, bôi kéo dài.

Toàn thân: Nếu có nhiễm trùng thì phải uống một đợt kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu ngứa nhiều thì uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, chlopheniramin, phenecgan... trong 5-10 ngày.          

TS.Nguyễn Thị Lai